Trang

30 thg 4, 2011

Lớp 10 Đ Nguyễn Trãi - Gặp mặt Bạn Phương từ CH LB Đức về.

Mình mới nhận được hình của Lớp,mình đưa lên Blog để các bạn cùng xem.


Chúc Phương có chuyến về thăm Quê hương thú vị và như ý

Cảm ơn Hà Thái Bình đã cung cấp tư liệu

23 thg 4, 2011

THÔNG BÁO NHỎ

1. Hôm qua nhận được điện thoại của bạn Huyền (đang đi Du Lịch Campuchia) Không về VN bằng cửa Khẩu Tịnh Biên An Giang mà về qua ngã Long An cửa khẩu Xamat, làm mình thấy tiếc vì không có dịp đón bạn và đoàn ở Long Xuyên AG. Vậy hẹn dịp khác nếu có bạn nào có đi DL thì hãy ghé qua LX-AG nha mình sẽ đãi các bạn những món ăn dân giã ở Miền Tây.
2. Nghe thông tin, Bạn Phương ở CH LB Đức về chơi Vậy thông tin lên đây để các bạn biết mà giao lưu.
P.Son

12 thg 4, 2011

Tháng tư nói zóc vui không bị bắt

Bác Ba Phi
...

Hôm nay là mồng một tháng tư. Ngày này thì hoặc nói chuyện Sơn hoặc nói dóc. Mà nói dóc thì hay nhất là nhắc chuyện Bác Ba Phi. Bác Ba Phi là một đặc sản của miền tây nam bộ, ai cũng biết, tôi kể gì hơn ngoài việc bưng nguyên cái thông tin trên wiki về đây cho bạn đọc.

Tôi chỉ thêm một câu này: Ở miền tây đó mà, chỗ nào cũng đầy những ông già như Bác Ba Phi, làng nào cũng có, ấp nào cũng có, thôn nào cũng có, nhóc luôn… đó là nhưng người nông dân yêu đời, yêu quê hương, yêu gia đình, đó là những người nông dân phóng khoáng và tình nghĩa, và đặc biệt hơn cả, đó là những người nông dân không biết buồn rầu, không biết lo lắng, không biết sợ hãi, không biết bon chen… đối với họ, tất cả những khó khăn, những vất vả, những hiểm nguy của đời sống đều hóa thành những câu chuyện cười, ai cũng cười được.

Tôi đã từng được uống rượu với những Bác Ba Phi như thế, ở miền tây.

Bác Ba Phi
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Bác Ba Phi là một nhân vật trong văn học dân gian. Ông là nhân vật chính trong những câu chuyện kể về cuộc sống sinh hoạt thường ngày nhưng được cường điệu quá đáng (như rắn tát cá, chọi đá làm máy bay rơi, leo cây ớt té gãy chân...) và được trình bày một cách tự nhiên khiến người nghe hoàn toàn bất ngờ và bật cười. Ông là nhân vật cận đại nhất trong lịch sử kho tàng truyện trạng (nói dóc) của văn học Việt Nam.

Nguyên mẫu cuộc đời
Nhân vật nguyên mẫu của Bác Ba Phi là nghệ nhân Nguyễn Long Phi (1884-1964). Ông vốn là một nông dân tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, vốn có khiếu kể chuyện rất phong phú và đặc sắc, được nhiều người ưa thích.

Ông sinh năm 1884 tại tỉnh Đồng Tháp, do gia đình quá nghèo nên từ nhỏ ông phải đi cày thuê để nuôi tám người em nhỏ. Khi 15 tuổi, mẹ ông qua đời, ông trở thành một lao động chính trong gia đình. Tuy cuộc sống cơ cực, ban ngày phải đi khẩn hoang, cày cuốc ruộng vườn, nhưng đến ban đêm, ông thường tham gia tụ họp đờn ca, và được bà con trong xóm mê tiếng ca và nể trọng tính tình vui vẻ, bộc trực, khẳng khái, đặc biệt là những câu chuyện kể và cách kể truyện lôi cuốn người nghe của ông.

Vốn làm tá điền cho Hương quản Tế - một địa chủ giàu có vùng Bảy Ghe, ông được Hương quản Tế hứa gả cô con gái là Ba Lữ với điều kiện phải làm công trong ba năm. Nhờ sức chịu thương chịu khó, nên sau ba năm thì ông cưới được vợ. Cũng do điều này mà Hương quản Tế rất yêu thương người con rể này và đã cắt chia cho vợ chồng Ba Phi khá nhiều đất. Cộng với sự cần cù sẵn có, ông đã ra sức khai khẩn phần đất được chia thành đồng ruộng cò bay thẳng cánh.

Hai người lấy nhau một thời gian mà không có con, vì vậy bà Ba Lữ đã đứng ra cưới vợ hai cho chồng. Bà này sinh được một người con trai là Nguyễn Tứ Hải. Không rõ vì lý do gì mà khi Nguyễn Tứ Hải mới ba tuổi, bà đã gửi con cho chồng rồi về quê ở Mỹ Tho cho đến lúc qua đời. Ông Nguyễn Tứ Hải về sau lập gia đình với bà Nguyễn Thị Anh, sinh hạ một người con trai – cháu đích tôn của bác Ba Phi – tên là Nguyễn Quốc Trị. Trong những câu chuyện của bác Ba Phi thì đây chính là nhân vật thằng Đậu nổi tiếng. Và cũng có thành ngữ "Tệ như vợ (thằng) Đậu" được dùng để chỉ những người vụng về.
Về sau bác Ba Phi cưới thêm vợ ba. Bà tên Chăm, là người dân tộc Khmer. Bà sinh được hai đứa con gái.

Bác Ba Phi qua đời ngày 3 tháng 11 năm 1964 tại rừng U Minh Hạ, nay là ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Phần mộ của ông được đặt giữa hai ngôi mộ của bà Ba Lữ và bà Chăm tại ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải nằm ở một góc rừng U Minh Hạ.

Hiện nay, khu nhà và mộ phần của bác Ba Phi được xây dựng thành tuyến du lịch văn hóa của tỉnh Cà Mau.

Những nét đặc sắc văn học
Bác Ba Phi thuộc lớp hậu duệ của những tiền nhân đi khai mở đất rừng U Minh. Cả quãng đời, mà đặc biệt là thời tuổi trẻ của bác Ba Phi, là quá trình khai phá đất rừng U Minh nguyên sinh, vốn rất hào phóng mà cũng lắm khắc nghiệt. Với tinh thần khai phá, tính lạc quan yêu đời, thế giới quan của ông hiện ra thật sinh động và đáng yêu.

Những câu chuyện kể của ông, truyện nào cũng mang lại cho người nghe trước hết là tiếng cười sảng khoái, mượt mà âm sắc trào lộng, rất đặc hiệu Ba Phi, đồng thời nó còn ẩn chứa tính hào hùng của lớp người đi mở đất, tính cách đặc trưng Nam Bộ, lòng yêu thương thiên nhiên và con người.

Cho đến tận ngày ông qua đời, không có một văn bản nào chính thức có ghi chép lại những câu chuyện do ông kể, kể cả người trong thân tộc ông. Những câu chuyện kể của bác Ba Phi là những câu chuyện truyền miệng. Tuy nhiên, nó cũng đầy đủ hình thức cấu trúc văn học: mở đề, thắt nút và kết thúc. Một mặt, nó cũng hao hao một loại tiểu thuyết chương, hồi rút gọn, dù có đảo lộn trật tự thế nào cũng giữ được ý nghĩa và tính xuyên suốt của những câu chuyện kể độc lập.

Những câu chuyện của bác Ba Phi, do tính chất "truyền miệng", vì vậy thường bị “biên tập” hoặc “hiệu chỉnh” lại trong quá trình câu truyện “lưu lạc”. Thêm vào đó, cũng có không ít những câu chuyện do người khác sáng tác, nhưng vẫn lấy danh xưng bác Ba Phi.

P.Son sưu tầm

7 thg 4, 2011

Xin tham khảo biết đâu có thể xài được.

Giải độc cơ thể (Nguyễn Xuân Hòa)
Thói quen ít vận động, thức quá khuya, lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê…Một chế độ ăn uống bất hợp lí kéo dài,quá nhiều chất béo, chất đạm, đường, một nhịp sống căng thẳng tiềm ẩn những stress, trầm cảm…làm cơ thể ta suy yếu, khả năng đối phó, thanh lọc chất độc bị suy giảm.
Sự nhiễm độc
Trong cuộc sống hiện đại của chúng ta, con người đang phải đối mặt với nguy cơ nhiễm độc cao. Bầu khí quyển chứa nhiều khí thải đặc biệt từ công nghiệp và khí thải của các phương tiện giao thông…Nước và thức ăn vào cơ thể cũng chứa nhiều độc tố. Một số địa phương đã bị ô nhiễm nước ngầm nghiêm trọng. Nước giếng khoan sau khi lọc vẫn chứa hàm lượng A sen (thạch tín ) đáng kể. Thực phẩm chứa dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc kháng sinh, tăng trọng các loại. Đất trồng và nước tưới bị ô nhiễm chứa kim loại nặng như chì…lại ngấm vào rau quả. Thức ăn chế biến sẵn có các phụ gia như hàn the, chất bảo quản, chất tạo màu…Cả ngày, nhiều người phải hít thở trong căn phòng không thông thoáng, đầy mùi thiết bị văn phòng, máy điêù hoà và đồ điện tử ...Ngay cả với thuốc Đông y, vốn được sử dụng phổ biến, chưa ai dám đảm bảo tuyệt đối tính an toàn của nó từ khâu sản xuất đến chế biến mà trong đó có nhiều thứ không rõ nguồn gốc. Sau một thời gian dài sử dụng thuốc của Tây y-hoá trị liệu và dù là thuốc bổ cũng có những tác dụng phụ nhất định…
Thói quen ít vận động, thức quá khuya, lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê…Một chế độ ăn uống bất hợp lí kéo dài,quá nhiều chất béo, chất đạm, đường, một nhịp sống căng thẳng tiềm ẩn những stress, trầm cảm…làm cơ thể ta suy yếu, khả năng đối phó, thanh lọc chất độc bị suy giảm. Trạng thái mất cân bằng tâm lí nghiêm trọng, lục dục, thất tình thái quá tác động xấu đến cơ thể làm chính chúng ta cũng có thể tự tiết ra …chất độc như câu chuyện về một bà mẹ trong cơn giận dữ cực độ lại cho con bú, gây ngộ độc với đứa trẻ…
Vài hậu quả xấu
Không kể các trường hợp ngộ độc cấp tính,một lượng nhỏ chất độc sẽ được cơ thể tìm cách đào thải qua đường bài tiết: phân, nước tiểu và qua da. Tuy nhiên, nếu thận và gan không thể làm tròn chức trách, chúng ta sẽ phải chịu hậu quả. Hệ miễn dịch suy yếu làm ta dễ bị cúm và các bệnh ngoài da. Ăn không ngon miệng, bị táo bón, gầy sút hay béo bệu, mất ngủ hoặc ngủ không sâu, hay cáu gắt, bực bội hơn. Chóng xuống sức, tim đập nhanh, dễ lo lắng hay tưởng tượng mắc một căn bệnh nào đó. Làn da không đẹp, thường thâm đen, mụn nhọt xuất hiện… mà chỉ dựa vào mỹ phẩm e khó lòng khắc phục được.Về lâu về dài chất độc được tích tụ có thể gây những bệnh mãn tính, thậm chí ung thư.
Những biện pháp phòng và giải độc thường ngày
Bạn hãy uống đủ nước,không nên chỉ uống khi khát.Lượng nước thích hợp là 1-1,5 lít/ ngày, uống nhiều quá sẽ làm mệt tim, thận và mất vi chất. Nước là một thành phần quan trọng hàng đầu của sự sống, cơ thể đủ nước được khoẻ mạnh hơn, dễ tiêu hoá, hoà loãng nhiều chất độc, đưa chúng ra ngoài cơ thể dễ dàng hơn.
Hãy tăng cường vận động, lao động chân tay một cách vừa sức, tập thể dục, đi bộ là môn thể thao của mọi lứa tuổi.Vận động làm tăng cường trao đổi chất. Nghiên cứu cho thấy, mồ hôi khi vận động chứa nhiều độc tố cặn bã hơn, chứng tỏ vận động thúc đẩy quá trình thải độc của các tế bào. Hít thở sâu nơi không khí trong lành,nhất là sáng sớm. Riêng tắm đã là cả một nghệ thuật và phương cách dưỡng sinh hữu hiệu vì da là con đường bài tiết và đưa nhiều tế bào chết ra ngoài. Sau vận động, nghỉ ngơi và tắm đem lại sức khoẻ và sự sảng khoái tuyệt diệu…
Hãy là người tiêu dùng thông thái trong việc lựa chọn và chế biến thực phẩm, người xưa đã nói, bách bệnh tòng khẩu nhập (trăm bệnh theo đường miệng vào). An toàn thực phẩm lại đang là đề tài nóng hiện nay. Ăn rau xanh và hoa quả tươi chứa nhiều chất xơ có tác dụng quét các chất độc khỏi thành ống tiêu hoá. Cháo đậu xanh, bột sắn dây, nước mía, nước ép rau má… rất tốt, chứa nhiều sinh tố, giải độc , giải rượu. Say rượu, nôn mửa là biểu hiện rất rõ của ngộ độc rất hại gan và hệ thần kinh. Nên hạn chế tiệc tùng, mâm cao cỗ đầy chỉ làm khổ bộ máy tiêu hoá. Mỗi ngày uống một cốc sữa vừa cung cấp can xi và dưỡng chất, vừa có công dụng giải độc . quảng cáo .Mỗi tuần có thể ăn một bữa cháo hoặc rau quả giúp các phủ tạng được nhẹ nhàng nghỉ ngơi. Phương pháp nhịn ăn chữa bệnh cũng nên được nhìn nhận khách quan (chúng tôi sẽ nói đến trong một bài khác) .Tại Nhật Bản, Giáo sư Oshawa đã đưa ra phương pháp thực dưỡng: ăn cơm gạo lứt (gạo chỉ xay, không xát trắng, vẫn còn vỏ cám) với muối vừng đen có tác dụng phòng chống bệnh ung thư khá hiệu quả.
Cuối cùng, muốn không bị nhiễm độc thì phải giữ cho môi trường sống quanh ta trong sạch. Trước hết là sạch từ nhà ra ngõ, sau rộng hơn là bảo vệ môi trường toàn cầu. Phấn đấu vì một xã hội lành mạnh, không tệ nạn, con người có được một trạng thái tâm lí cân bằng, an toàn, yên vui…
Trái Sung Chữa Tan Sỏi Mật, Điều Mà Ít Ai Biết (Lương y Phan Văn Sang)
Sung là loài cây sống trải rộng khắp nơi trên trái đất. Sung gần gũi với dân quê hiền hòa chất phát, từ đó có những câu hát, câu ca dao truyền từ đời này qua đời khác…

...Đói lòng ăn nửa trái sung
Chồng một thì lấy chồng chung thì đừng...
Theo Y học cổ truyền, quả sung có vị ngọt, tính bình, có công dụng kiện tỳ, ích vị, nhuận phế lợi hầu, nhuận tràng thông tiện...
Quả sung dân dã, quê mùa, nhưng ít ai biết sung có công dụng trị nhiều thứ bệnh.
Khi quý vị vào trang google nhập từ TRÁI SUNG sẽ được nhiều thông tin phong phú nói về trái sung.
Trái sung tên khoa học là Ficus carica, họ dâu tằm Moraceae L
Trái sung giàu Phenol, axit béo, omega3 và omega6, tốt cho tim mạch.
Chất xơ trái sung có thể giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, đặc biệt ung thư gan mật, ruột kết và ung thư vú.
Vi chất ổn định đường huyết, ổn định huyết áp…
Đó là những thông tin trong sách báo, trên mạng Internet, nhưng ở vùng miền Trung vùng sâu, vùng xa hẻo lánh của quê hương tôi người ta dùng để chữa hiệu quả một chứng bệnh, đó là bệnh
SỎI MẬT
Nghe qua khó tin nhưng là việc thật. Bỡi thế người Trung Hoa thường bảo “ người Việt Nam chết trên cây thuốc” là vậy.
Vào thời điểm những năm sau 1975, đời sống kinh tế và thuốc men rất là khó khăn khổ cực. Đối với mọi người dân, nhất là vùng sâu vùng xa, cho nên mọi người rất sợ đau ốm.
Câu chuyện xảy ra vào khoảng năm 1976 tại huyện Phù Cát thuộc Tỉnh Bình Định.
Hôm đó vào khoảng xế chiều trên bến xe lam, chưa đủ khách nên xe chưa chạy, trên chiếc xe lam chỉ có 3 người : một bà già ngồi nhai trầu bỏm bẻm miệng đỏ hoe, nhìn cô gái ( khoảng 20 tuổi ) ốm yếu, da mặt vàng sạm, với hơi thở yếu ớt nằm ngoặc nghẽo trong vòng tay người mẹ.
Bà già trầu cất tiếng hỏi:
- Chị ơi, con bé bị bệnh gì mà trông tội nghiệp quá vậy ?
- Dạ, cháu nó bị sỏi mật, nằm bệnh viện Đa khoa Quy Nhơn cả tháng nay, bác sĩ định mổ nhưng xét nghiệm rồi nói cháu nó máu loãng không đông nên không thể mổ, nếu mổ sẽ không cầm được máu sẽ chết, thôi thì đưa cháu về cho ăn được gì ăn rồi cháu sẽ chết !
Nói xong 2 hàng nước mắt lăn dài trên đôi má gầy còm của người mẹ.
Nghe xong, bà già tay cầm miếng trầu đang nhai trong miệng vứt xuống đất nghe cái “bộp”, nói một giọng chắc mẩm :
- Wééé...ét……Chết chóc cái gì mà chết, bịnh này mà mổ xẻ cái gì chứ ! Chị nghe lời tôi, về nhà hái một rổ trái sung xanh, xắc mỏng phơi khô sao vàng cho vào nồi, đổ ngập nước nấu cạn còn nửa nồi cho cháu uống dần sẽ hết bịnh.
-
Nghe bà già trầu nói thế người mẹ mừng quá quên cả cám ơn , về đến nhà trời cũng đã tối, bà con lối xóm nghe con bé về ai nấy đến thăm, nhìn thân hình tiều tụy, mê man mà lắc đầu thương xót.
Khi đưa cô con gái vào nằm trên giường, mặc ai thăm thì cứ đến thăm, riêng bà đốt đèn ra bờ sông soi tìm hái đầy một rổ trái sung.
Về đến nhà mọi người đến thăm ai nấy đã về hết, chỉ còn con gái bà còn nằm bất động trên giường. Mặc kệ mày !
Bà cặm cụi xắt mỏng từng trái sung, đêm không nắng không phơi được, hơn nữa thời giờ cấp bách bà chất lửa đốt, bắt chảo lên rang vàng đến khô giòn từng lát sung, sau đó cho vào nồi nấu đến khi còn lại 1 bát lớn thì trời cũng đã khuya lắm rồi.
- Dậy uống thuốc nè con
- Ôi ! Con mệt quá…
- Ráng uống để sống với người ta đi con ơi, không thì con sẽ chết!
Nửa tỉnh nửa mê nghe nói chết, cô con gái cũng sợ ráng ngồi dậy uống hết bát thuốc.
Thấy con uống xong, là lúc bà cũng mệt mỏi lắm, nằm ngủ thiếp lúc nào không hay.
………..
-Má ơi con đói bụng quá !
Đang nằm ngủ ngon giấc, bà mẹ giật mình ngồi dậy;
- Hã? Con nói gì ?
- Con đói bụng quá, có gì ăn không ?
Trời đất, con nhỏ nó hồi dương rồi sao ? Nằm bệnh viện cả tháng trời nó có chịu ăn uống gì đâu, nó chỉ sống bằng thuốc , bằng dịch chuyền thôi mà, sao nay về nhà nó lại đói bụng đòi ăn ? Vậy là nó hồi dương và sắp chết thật rồi. Bà thầm nghĩ vậy.
- Có ăn cũng để má nấu cơm nóng đã chứ. Còn cơm nguội ăn gì được .
- Kệ má ơi, cho con ăn đi, con đói lắm rồi.
Trời ! Bà còn sợ dữ nữa, nhất định con nhỏ hồi dương rồi, chắc rồi nó cũng chết, thôi cứ cho nó ăn đại cơm nguội, nếu nó có chết cũng là chết no. Nghĩ vậy bà bèn lấy cơm nguội với mắm cho nó ăn.
Nhìn nó ăn ngon lành mà bà thấy buồn thương cho đứa con gái tội nghiệp, rồi đây nó sẽ không còn trên cõi đời này, không còn trong căn nhà này nữa…
Sau hơn tháng trời xa nhà nằm bệnh viện, sáng nay nó đi khắp xóm khắp làng gặp nhà ai nó cũng ghé vào nói cười vui vẻ làm ai cũng lo cũng sợ. Cứ nghĩ cô gái này chết rồi mà hồi dương lại đi thăm mọi người rồi về cũng sẽ chết luôn…( dân quê hay quan miệm vậy mà ! )
Đến chiều nhìn đứa con gái xem ra vẫn khỏe hơn, bà nghĩ bụng : vậy là trái sung đã cứu sống con mình rồi. Bà vui mừng đi tìm hái thêm mấy rổ nữa về làm cho nó uống…
Thưa quý vị, trải qua 34, 35 năm nay cô con gái đó, nay đã trở thành bà nội bà ngoại rồi. Đây là câu chuyện thật 100% ở cùng làng quê tôi.
Thằng em út tôi ( sinh năm 1977) vào năm 1995 làm ăn ở Sài gòn cũng bị chứng sỏi mật nằm bệnh viện Bình dân (đã lên lịch mổ), tối hôm đó tôi có lên thăm thấy mắt, mặt và toàn thân là một màu vàng sạm ( nói xin lỗi, còn xấu hơn da người mới chết ) nhưng sáng hôm sau đã thấy nó vát mặt về nhà.
-Trời ơi, sao mày không nằm để bác sĩ người ta mổ ?
Thì thằng em tôi nó nó nói: “Thôi, em về uống trái sung, sợ mổ lắm”.
Và thưa quý vị quả thật cho đến hôm nay ( tháng 2-2011) trải qua 16 năm nó vẫn lao động bình thường, sỏi cũng tiêu đâu mất.
Trải qua 12 năm tôi có tham gia chữa bệnh từ thiện ở các phòng khám của các chùa. Vào năm 2003 tôi đang châm cứu cho một bà bệnh nhân, bà ấy bảo:
-Thầy ơi châm giùm tôi chỗ cạnh sườn này. Vừa nói bà vừa lấy ngón tay chỉ vào.Tôi hỏi
- Sao lại phải châm chỗ này ?
- Tôi bị sỏi mật, còn 1 tháng nữa là tôi phải đi mổ đó.Giờ châm cho đỡ đau thôi.
Bà còn nói –“bác sĩ cho biết giá mổ xong hoàn tấc là 30 triệu đó”.
Tôi hỏi :
-Vậy ai lo cho bà ?
- Tôi có thằng con làm giám đốc sẽ lo cho tôi về tiền bạc.
Nghe vậy tôi nói nữa đùa nửa thật:
- Vậy nếu tôi chữa cho bà, đến khi tan hết sỏi, khỏi mổ bà cho tôi bao nhiêu ?
Thật tình những lương y chúng tôi phần đông ai cũng nghèo, nhưng vì yêu thích nghề nên ăn cơm nhà đi làm từ thiện miễn phí, giúp cho những bệnh, thỉnh thoảng cũng gặp được những người gia đình khá giả họ cũng có bồi dưỡng cho chúng tôi ít nhiều có tiền uống café với anh em , nay gặp bà bệnh nhân này nói có con làm giám đốc vậy cũng mừng.

Bà ấy nói : Nếu thầy chữa tôi hết bệnh khỏi mổ tôi tạ thầy 10 triệu, nhưng mà…thầy chữa hết không ?
- Tôi là người lớn, là một lương y không thể nói đùa.
Nghe vậy bà ấy vui mừng 2 bên thỏa thuận bằng miệng với nhau và hứa ngày mai đến gặp tôi lấy thuốc.
Tôi mướn người đi tìm hái trái sung về sao tẩm chế biến,thỉnh thoảng hết thuốc bà thường đến gặp tôi để lấy về uống, liên tục như thế thời gian khoảng 1 tháng, rồi sau đó bà bặt tăm luôn không thấy đến nữa, mà tôi thì quên hỏi số điện thoại nhà bà. Đến chừng 6 tháng sau bà đến chùa, gặp lại bà tôi rất vui và hỏi :
- Lâu quá không gặp bà, bà khỏe không ?
- Khỏe !
- Vậy sỏi mật bà hết chưa ? Có đi bác sĩ mổ không ?
Bà đáp :
- À hết rồi, hết rồi thôi đâu có đi bác sĩ chi nữa.
Tôi hỏi :
- Vậy chứ còn bà hứa sau khi hết bệnh cho tôi 10 triệu bà tính sao ?
Bà cười giả lả : Các thầy có cái tâm đến đây làm từ thiện mà nhắc đến tiền bạc sao ?
- Trời đất ! Bà nói vậy thôi tôi chịu thua bà luôn.
Từ đó về sau, gặp bà tôi cũng không nhắc đến chuyện đó nữa.
“Làm người thầy thuốc rất vinh hạnh, nhưng cũng lắm phũ phàng” là vậy. Đây là chuyện có thật trong đời làm thuốc của tôi, bạn bè đồng nghiệp làm chung với tôi, biết chuyện ai cũng phì cười.
Là một người Phật tử tin sâu vào Phật Pháp, một lương y tuy có đủ bằng cấp chứng chỉ hành nghề, nhưng xưa nay phần nhiều làm ở các chùa, tiếp xúc đủ loại bịnh, tuy ít ai biết đến tôi, nhưng tôi cũng có vài bí quyết kinh nghiệm nhỏ, người ta bảo “ Thầy dở cũng đỡ xóm làng” ấy mà.Nay tuổi cũng đã xế chiều, trường chay đạm bạc, niệm Phật phát nguyện vãng sanh, không vì danh lợi, muốn được phổ biến, chia sẻ cùng Chư Đạo hữu một vài kinh nghiệm nhỏ.
Nói thế chứ cũng tùy theo cơ địa của từng mỗi người, nhưng những phương tôi chia sẻ từ “cây nhà lá vườn”, bằng trái, hoa, củ quả… uống vào nếu vô thưởng thì cũng vô phạt. .
Khi quý vị gặp bệnh này hãy làm bằng cái tâm ( miễn phí ) sau khi thấy hiệu quả cũng xin được chia sẻ lại niềm vui đó đến với tôi, tôi sẽ tiếp tục phổ biến những phương khác nữa bằng những câu chuyện như trên.
Thuốc không phân là thuốc mắc hay thuốc rẻ, Thuốc nào trị lành bệnh là thuốc hay !
Pháp Phật không phân biệt Pháp cao hay Pháp thấp, Pháp nào hạp căn cơ, cứu cánh là Pháp đó hay !
P.Sơn Sưu Tầm

2 thg 4, 2011

Thử ngẫm chuyện hôm nay

Chuyện kỳ cục. Mâu thuẩn ngược đời.
Có một hình ảnh mà người ta thấy hài hước đến...đau lòng. Đó là hình ảnh những người bán xôi bên vỉa hè thành phố "xanh, sạch, đẹp"... Đó là những người bán xôi sáng. Họ đeo khẩu trang để bán xôi. Khẩu trang che kín mặt chỉ hở hai đôi mắt. Một thành phố bụi bặm, quá nhiều rác thải và một không khí ô nhiễm ở mức độ cao. Vì thế, những người bán xôi phải đeo khẩu trang để bảo vệ sức khoẻ cho họ. Nhưng những bát xôi thì không thể đeo... khẩu trang.
Một hình ảnh quá hài hước, quá đau lòng và thật xấu hổ. Tôi nói vậy không ngoa một chút nào. Hình ảnh này cho chúng ta thấy một điều cơ bản về lối sống của con người trong thành phố này nói riêng và của xã hội của chúng ta nói chung. Đó chính là thói ích kỷ.
Bây giờ, người ta yêu cái cây trên ban công như một báu vật nhưng lại tàn phá những cánh rừng. Người ta yêu sự sạch sẽ chiếc xe hơi của họ nhưng lại ngồi trong xe ném rác ra ngoài đường. Người ta mua những chiếc máy lọc nước hoặc rửa rau quả công nghệ cao nhưng lại đầu độc những dòng sông, những ao hồ. Người ta mua cả ngàn đô la một con chim để chăm sóc như chăm sóc một ông vua nhưng lại vác súng sắn các loại chim trong thành phố. Người ta vượt đèn đỏ để được nhanh thêm một phút nhưng lại không mảy may nghĩ đến tính mạng của một người qua đường...
Và thế, những người bán xôi đeo khẩu trang chống ô nhiễm nhưng lại bán xôi có bụi bẩn cho người khác. Họ đeo khẩu trang vì sức khoẻ họ và họ cứ bán "xôi bẩn" cho người khác vì tiền vào túi họ. Chuyện người bán xôi đeo khẩu trang chỉ là một hình ảnh dễ thấy để nói lên hiện trạng của một lối sống ích kỷ trong xã hội của chúng ta.
Những hình ảnh về sự ích kỷ của con người trong xã hội chúng ta mà tôi đề cập ở trên là những hành động ích kỷ dễ thấy.
Nhưng bên cạnh đó là thói ích kỷ ẩn danh và được khoác lên bởi một chiếc áo có thương hiệu "từ thiện". Đó là những cách tài trợ này, giúp đỡ kia, đấu giá nọ...Thói ích kỷ còn thể hiện cả trong cách thức "phê và tự phê". Thói ích kỷ này mới tinh xảo làm sao và vô cùng thâm hậu. Nếu chúng ta bỏ công ra để phân tích thì chúng ta sẽ thấy thói ích kỷ đang lan tràn trong xã hội ta. Chúng ta không cần nhìn đâu xa để biết thực sự đời sống của một xã hội nào đó đang như thế nào. Chúng ta chỉ cần quan sát ngày ngày trên phố là chúng ta biết được xã hội đó luật pháp có nghiêm không, còn người có yêu thiên nhiên và bảo vệ môi trường không, con người có còn tình yêu con người không, con người có vô cảm không, con người còn bao nhiêu phần trăm nhân tính...

Tôi đặt những câu hỏi như thế nghĩa là tôi đang gián tiếp gửi một bản thông cáo đen về nhân tính con người rồi. Nếu những ai phản bác lại tôi thì trước khi phản bác hãy ngồi một mình trong ngôi nhà sang trọng của bạn và suy ngẫm một cách công tâm một lần thôi, chỉ một lần thôi và không cần thêm một lần khác nữa về sự thật lối sống của con người hiện nay.
Một lần thành thật thôi.
Tôi chỉ xin như thế.
Thảo Dân/TuanVietNam – P.Son sưu tầm